Hotline 24/7:

0588 234 234

0569 400 000

PHONG TỤC TANG CHẾ

1/ THỌ MAI GIA LỄ LÀ GIA LỄ NƯỚC TA HAY TRUNG QUỐC?

"Thọ Mai gia lễ" là gia lễ nước ta, có dựa theo "Chu Công gia lễ" tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc, nhưng không rập khuôn theo Trung Quốc. Mặc dầu gia lễ từ triều Lê đến nay có nhiều chỗ đã lỗi thời nhưng khi đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân, nên đến nay trong Nam ngoài Bắc vẫn còn áp dụng phổ biến, nhất là tang lễ.

Tác giả của "Thọ Mai gia lễ" là Hồ Sỹ Tân hiệu Thọ Mai (1690-1760), người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông đậu tiến sỹ năm 1721 (năm thứ hai triều Bảo Thái), làm quan đến Hàn lâm Thị chế.

2/ BA CHA TÁM MẸ LÀ NHỮNG AI?

Theo Thọ Mai gia lễ thì:

Ba cha là:

- Thân phụ: Bố (Cha) sinh ra mình.

- Kế phụ: Sau khi Bố (Cha) đẻ chết, mẹ lấy chồng khác, chồng mới của mẹ là kế phụ hay bố dượng.

- Dưỡng phụ: Bố (Cha) nuôi.

Tám mẹ là:

- Đích mẫu: Vợ cả của bố (mẹ già).

- Kế mẫu: Khi còn nhỏ mẹ đã mất, bố lấy vợ khác để nuôi nấng mình (mẹ kế).

- Từ mẫu: Khi còn nhỏ mẹ đã mất, bố sai người vợ lẽ nuôi mình bú mớm.

- Dưỡng mẫu: Mẹ nuôi, cha mẹ nghèo cho mình để người khác nuôi.

- Xuất mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy đuổi đi.

- Giá mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng khi cha mất thì đi lấy chồng khác.

- Thứ mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng là vợ lẽ của cha.

- Nhũ mẫu: Mẹ vú, cho mình bú mớm từ khi còn tấm bé.

Trên đây là định nghĩa theo Thọ Mai gia lễ, chưa nói đến những người đã lấy vợ lấy chồng thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình. Vậy thì còn có ba nhạc phụ (ba cha vợ), tám nhạc mẫu (tám mẹ vợ). Như vậy tất cả là sáu cha, mười sáu mẹ.

3/ CHÚC THƯ LÀ GÌ?

"Chúc" là lời dặn dò, phó thác. "Chúc thư" hay "Di chúc" là lời dặn dò của người chủ gia đình, người lãnh đạo đất nước trước khi mất. Chúc thư hay di chúc viết thành văn bản có giá trị hành chính, pháp lý. Nếu không biết chữ, hoặc yếu quá không viết được nữa thì nhờ người khác viết, đọc lại cho nghe rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào dưới. Di chúc của nhà vua thì gọi là di chiếu.

Nội dung chính của chúc thư thường là việc chia gia tài. Nhà có bao nhiêu ruộng đất, nhà cửa, chia cho con trai con gái, ai được hưởng khoảnh nào, mấy mẫu, mấy sào, ở đâu, còn lại bao nhiêu dành cho mẹ làm của dưỡng lão, giao cho người nào trông nom. Nếu còn bao nhiêu nợ làng, nợ họ cũng giao phó cho con nào phải đòi, phải trả. Quy định dành bao nhiêu làm ruộng hương hoả, giao cho con trưởng hoặc cháu đích tôn. Di chiếu của nhà vua giao cho ai là đại thần có mệnh phò thái tử lên ngôi. Nếu ngôi thái tử chưa định thì truyền chỉ cho cho hoàng tử nào nối ngôi....

4/ CƯ TANG LÀ GÌ?

Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về cư tang ba năm, trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài. Lệ này không quy định đối với binh lính và nha lại. Trong thời gian cư tang, lệnh vua không đến cửa.

Ba năm cư tang là ba năm chịu đựng gian khổ, nhẫn nhục, không dự mọi cuộc vui, không dự lễ cưới, lễ mừng, không uống rượu (ngoài chén rượu cúng cha mẹ), không nghe nhạc vui, không ngủ với vợ hoặc nàng hầu, trừ trường hợp chưa có con trai để nối dõi tông đường. Ngoài ra ai sinh con trong thời kỳ này cũng bị coi là bất hiếu. Không được mặc gấm vóc, nhung lụa, không đội mũ, đi hia, phải đi chân đất, cùng lắm chỉ đi guốc mộc hoặc giầy cỏ.

Dẫu làm đến tể tướng trong triều đình, khi khách đến viếng cha mẹ mình, bất kể sang hay hèn cũng phải cung kính chào mời và lạy tạ. Khi ra đường không sinh sự với bất cứ người nào. Ở trong nhà, đối với kẻ ăn người ở cũng không được to tiếng.

Ba năm sầu muộn, tự nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với kẻ dưới, cung kính với khách để tỏ lòng thành kính với cha mẹ.

Thời nay không còn lệ cư tang, nhưng biết lệ cư tang của ông cha ta ngày xưa, hậu sinh có thể học được điều gì đó trong thái độ ứng xử!

5/ VÌ SAO CÓ TỤC MŨ GAI ĐAI CHUỐI VÀ CHỐNG GẬY?

Tục đội mũ rơm quấn thật to quanh đầu, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối ngày nay đã lỗi thời, nhiều nơi đã bãi bỏ, còn tục chống gậy chỉ áp dụng đối với con trai tang cha (gậy tre tròn) tang mẹ (gậy vông-gậy gỗ đẽo vuông) vẫn còn ở nhiều địa phương.

Nguyên do: Thời xưa, đường đi còn chật hẹp, có khi còn phải leo núi cao, người mất được chôn cất ở nơi xa khu dân cư, trong rừng núi, có nơi chôn ở triền núi đá có nhiều hang động. Đã có trường hợp, người con vì quá thương xót cha mẹ, khóc lóc thảm thiết, đến nỗi không kể gì đến sinh mạng của mình, đập đầu vào vách đá, khi leo núi đi về vì thương cảm quá mất cả thăng bằng ngã lăn xuống vực. Để tránh tình trạng trùng tang thảm hại đó, người ta mới đặt ra lệ phải quấn quanh đầu những vật liệu mềm, xốp để nếu va vấp đỡ gây tổn thương. Và đặt ra lệ phải chống gậy để đi đứng an toàn hơn. Vật liệu dễ kiếm nhất, giàu nghèo ai cũng có thể tự lo liệu được, và ở đâu cũng có thể kiếm được, đó là rơm, lá chuối, dây gai, dây chuối, dây đay. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của một số người, dần dần trở thành phong tục phổ biến.

Vì ngày thường đi lao động ở đồng ruộng, núi rừng hoặc đi đứng đều mặc quần áo gọn bó vào người, đến khi có tang tế phải mặc áo dài rộng, dễ vướng gai góc nên phải có dây đai. Tục này cũng xuất xứ từ việc tránh nạn trùng tang.

6/ NĂM HẠNG TANG PHỤC (NGŨ PHỤC) LÀ GÌ?

Theo Thọ Mai gia lễ, có năm hạng tang phục tuỳ theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ. Đó là:

1. Đại tang: Trảm thôi và tề thôi.

* Quần áo sổ gấu gọi là trảm thôi: Con để tang cha, mẹ.

* Quần áo không sổ gấu gọi là tề thôi: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất.

* Thời hạn: Ba năm, sau giảm bớt còn hai năm ba tháng (sau lễ giỗ hết thêm ba tháng dư ai là hai bẩy tháng).

* Áo xô, khăn xô thắt có hai dải sau lưng (gọi là khăn ngang). Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai dải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai dải dài ngắn lệch nhau.

* Con trai chống gậy: Tang cha gậy tre, tang mẹ gậy vông-gậy gỗ, mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đay hoặc dây gai thắt lưng (thời nay nhiều nơi đã bãi bỏ những tang phục này. Ở thành phố nhiều nhà dùng băng đen theo tang chế Châu Âu).

* Con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ (kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ).

* Vợ để tang chồng.

* Nếu con trưởng mất trước cha mẹ thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.

2. Cơ niên: Để tang một năm. Từ cơ niên trở xuống dùng khăn tròn, vải trắng, không chống gậy.

* Cháu nội để tang ông bà nội.

* Con riêng của vợ để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng, nếu không ở cùng thì không tang; trước có ở cùng sau thôi thì để tang ba tháng.

* Con để tang mẹ đẻ ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy (xuất mẫu), hoặc cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu).

* Chồng để tang vợ cả có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì không gậy.

* Cháu để tang bác trai, bác gái, chú, thím và cô ruột.

* Anh chị em ruột để tang nhau (cùng cha khác mẹ thì cũng tang một năm, cùng mẹ khác cha thì tang năm tháng).

* Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả, kể cả con đi làm con nuôi nhà người.

* Chú, bác, thím, cô ruột để tang cháu (con anh em ruột).

* Ông bà nội để tang cháu trưởng (cháu đích tôn).

* Đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu để tang các con chồng, thứ mẫu để tang con mình và con chồng như nhau (đều là một năm). Để tang con dâu cả cũng một năm.

* Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức vợ lẽ cha chồng).

* Con rể để tang cha mẹ vợ (vợ chết đã lấy vợ khác cũng vậy).

* Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con chồng cũng như con mình (các họ hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).

 

3. Đại công: Để tang chín tháng.

* Anh chị em con chú con bác ruột để tang nhau.

* Cha mẹ để tang con dâu thứ hoặc con gái đã lấy chồng.

* Chú, bác, thím ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột).

* Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím, cô ruột của chồng.

* Mẹ để tang con dâu thứ và con gái riêng của chồng.

* Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú, thím, cô ruột.

4. Tiểu công: Để tang năm tháng.

* Chắt để tang Cụ (Hoàng tang: Chít khăn vàng).

* Cháu để tang anh chi em ruột của Ông nội (ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô).

* Con để tang vợ lẽ, nàng hầu của cha (nếu cha giao cho nuôi mình thì để tang ba năm như mẹ để).

* Cháu để tang đường bá thúc phụ mẫu và đường cô (anh chị em con chú con bác ruột của cha).

* Anh chị em con chú, bác ruột để tang vợ của nhau.

* Anh chị em chung mẹ khác cha để tang nhau (vợ con của anh chị em ấy thì không tang).

* Chú bác ruột để tang cháu dâu (con dâu của anh em ruột).

* Ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô để tang cháu (tức là cháu nội của anh em ruột).

* Ông bà nội để tang vợ cháu đích tôn hoặc cháu gái xuất giá.

* Cháu ngoại để tang ông bà ngoại và cậu ruột, dì ruột (anh chị em ruột của mẹ, kể cả đối với anh chị em ruột của đích mẫu, thứ mẫu, kế mẫu)

* Cháu dâu để tang cô ruột của chồng.

* Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con của những người đó (tức là cháu gọi bằng bác, bằng thím)

5. Ty ma phục: Để tang ba tháng.

* Chít để tang Can (Kị) nội (ngũ đại: Hồng tang - chít khăn đỏ).

* Chắt để tang Cụ nhà Bác, nhà Chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với Cụ nội).

* Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).

* Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).

* Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).

* Con để tang nàng hầu của cha.

* Con để tang bà vú (cho bú mớm).

* Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).

* Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu.

* Anh chị em họ nội năm đời để tang cho nhau.

* Bố mẹ vợ để tang con rể.

* Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại.

* Ông của chồng để tang cháu dâu.

* Cụ để tang chắt nội.

* Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.

* Anh chị em con cô ruột và con dì ruột để tang cho nhau.

* Cậu ruột để tang vợ của cháu trai.

* Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.

* Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.

* Cụ để tang chắt nội trai gái.

* Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác.

Tang bên cha mẹ nuôi:

1. Kị bên cha nuôi thì ba tháng, cụ bên cha nuôi thì năm tháng, ông bà thì một năm.

2. Cha mẹ nuôi thì áo bằng gấu, hoặc áo sổ gấu ba năm có cả gậy.

3. Từ ông bà trở lên nếu mình thừa trọng cũng sổ gấu ba năm.

4. Ông bà sinh ra mẹ nuôi thì năm tháng, còn thì đều không có.

Tang họ nhà mình (Đã là con nuôi người khác, để tang bên họ của mình):

1. Ông bà sinh ra cha thì chín tháng.

2. Cha mẹ sinh ra mình thì một năm có gậy.

3. Bác trai, bác gái, chú, thím và cô là anh chị em ruột với cha thì đều chín tháng, cô đã xuất giá thì năm tháng.

4. Anh chị em ruột thì chín tháng, chị dâu, em dâu thì ba tháng, chị em đã xuất giá thì năm tháng.

5. Ông bà sinh ra mẹ thì ba tháng.

Xét trong lễ nói rằng: Con gái đã xuất giá thì các tang có giáng, song đi lấy chồng, hoặc bị chồng rẫy bỏ, hoặc chồng chết, con lại chẳng có, lại trở về nhà cũng như chưa lấy chồng, tang chẳng có giáng.

Nếu đương để tang cha mẹ được một năm mà chồng rẫy bỏ thì phải tang cha mẹ ba năm, hoặc để tang cha mẹ được một năm đã trừ phục đoạn thì chẳng được để lại ba năm, dù phải chồng rẫy trước, sau mới để tang cha mẹ chưa đủ một năm mà chồng mới gọi về thì chẳng nên về vội phải nên để trọn ba năm.

Trường phục có ba loại:

1. Trưởng trường: Từ 16-19 tuổi.

2. Trung trường: Từ 12-15 tuổi.

3. Hạ trường: Từ 8-11 tuổi.

(Đều lấy thứ tự giáng một bậc)

Ví dụ: trai đã lấy vợ, gái đã lấy chồng, dẫu còn trẻ cũng không thể gọi là trường được, nhưng vốn mình phải tang một năm trưởng trường giáng xuống chín tháng, trung trường giáng xuống bẩy tháng, hạ trường giáng xuống năm tháng.

Như vốn tang chín tháng, trưởng trường giáng xuống bẩy tháng, trung trường giáng xuống năm tháng, hạ trường giáng xuống ba tháng, các trường hợp khác đều như thế mà suy.

7/ CHA MẸ CÓ ĐỂ TANG CON KHÔNG?

Tang phục là thể hiện tình nghĩa, có phân biệt thân sơ "Họ đương ba tháng, láng giềng ba ngày", thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất người còn. Vì thế, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang. Theo "Thọ Mai gia lễ" thì chẳng những cha mẹ để tang con mà ông bà và cụ kị cũng để tang hàng cháu, hàng chắt.

"Thọ Mai gia lễ" quy định như vậy nhưng ở Bắc Bộ quan niệm: "Phụ bất bái tử" (Cha không lạy con), Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng, nếu là đàn bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.

8/ TẠI SAO CÓ TỤC KIÊNG KHÔNG ĐỂ CHA MẸ ĐƯA TANG CON?

Tử biệt sinh ly, ai không thương xót, nhưng theo quy luật tự nhiên, cha mẹ già yếu từ trần, con báo hiếu cha mẹ, đưa tang cha mẹ là chuyện thường tình. Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, nhiều trường hợp chết non, gây nhiều nỗi đau thương cho bố mẹ. Giờ phút hạ huyệt là giờ phút xúc động đến cực điểm, có nhiều ông bố bà mẹ đã bị ngất lịm đi. Đã có nhiều trường hợp mẹ chết luôn bên huyệt chôn con. Hơn nữa, ngày xưa phương tiện và thuốc thang cấp cứu khó khăn, không cho cha mẹ đưa tang con để vơi bớt nỗi đau buồn và để tránh nạn trùng tang là đúng. Chẳng những cha mẹ mà các ông già bà cả trong nội thân, sức khoẻ đã tàn cũng không được dự đưa tang, sợ vướng đến sức khoẻ.

9/ ĐÁM TANG TRONG NGÀY TẾT TÍNH LIỆU RA SAO?

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui của toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 hoặc mùng một Tết thì sao? Trường hợp này hiếm nhưng không phải không có. Nếu ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, nếu để sang năm mới thì có nhiều bất tiện. Đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng hai phát tang.

10/ LỄ CƯỚI ĐÃ CHUẨN BỊ SẴN VẤP PHẢI LỄ TANG, TÍNH SAO ĐÂY?

Đó là trường hợp "Ưu hỷ trùng phùng". Vui và buồn dồn vào một lúc. "Sinh hữu hạn, tử vô kỳ", cuộc đời thì có hạn nhưng ai biết trước chết vào lúc nào. Theo lễ nghi thì khi trong nhà còn tang, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn, nếu quá câu lệ thì quả gay go cho cả hai gia đình, nhiều trường hợp tình duyên đôi lứa dở dang, nhất là các gia đình cả đôi bên đều ông già bà cả, có khi đợi đến bẩy tám năm sau chưa hết tang. Vì vậy tục lệ xưa cũng có khoản "Trừ hao": "Cưới bôn tang, tức là cưới chạy tang". Khi đó người chết nằm tạm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa nhập quan, hoặc gia đình có thể tự làm thủ tục khâm liệm, nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục. Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận tối lửa tắt đèn có nhau, coi như người nhà.

Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng,... nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời cũng miễn, sẽ thông cảm sau. Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu, chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. Nếu hai gia đình thông cảm cho nhau, có thể trong một ngày, từ sáng đến trưa cưới dâu, chiều tối phát tang cũng xong.

Trường hợp nhà có đám cưới mà hàng xóm lân cận có đám tang thì sao?
Người biết phép lịch sự và lòng nhân ái không bao giờ cười đùa vui vẻ trước cảnh buồn thảm của người khác. Gia đình có giáo dục, hiểu biết không bao giờ cho phép con cháu nô đùa ấm ỹ hoặc mở băng nhạc inh ỏi khi hàng xóm có việc buồn. Trong trường hợp trên, vẫn tiến hành lễ cưới bình thường nhưng không nên đốt pháo, mở băng nhạc và ca hát ầm ỹ, tránh tình trạng kẻ khóc người cười. Trường hợp có Quốc tang cũng như vậy.

11/ NGƯỜI DỰ ĐÁM TANG NÊN NHƯ THẾ NÀO?

Dù thân hay sơ, đã đến dự đám tang phải nghiêm túc, biểu lộ lòng thành kính đối với người đã khuất, tình ưu ái đối với tang quyến. Thật là bất lịch sự nếu bô bô cười nói, đùa giỡn trong lúc tang chủ đau buồn.

Ở nông thôn, nhiều nơi còn tục lệ cỗ bàn ăn uống linh đình trong đám tang, thực không hợp tình, hợp cảnh chút nào.

Đành rằng việc ăn uống là không tránh khỏi, nhưng chỉ nên hạn chế trong số người đến giúp việc và thân nhân ở xa về. Đối với bà con, làng xóm, khách, bạn thì tang lễ không phải là dịp để "trả nợ miệng". Có vui vẻ gì trong lúc tang gia bối rối.

Nếu như chưa bỏ được thủ tục rượu chè đình đám thì trong lễ tang, mọi người cũng nên tự kiềm chế mình, giúp được việc gì thì tận tình giúp đỡ, không tiện về nhà ăn cơm thì cũng không nên hạch sách, trách móc. Thói cũ "Ma chê, cưới trách" có hay ho gì!

Cũng cần lưu ý lớp trẻ: Khi đi dự đám tang không nên ăn mặc loè loẹt, hở hang, lố lăng, như vậy rất không hợp cảnh sẽ gây khó chịu cho nhiều người.

12/ NGƯỜI SẮP CHẾT CÓ NHỮNG DẤU HIỆU GÌ BÁO TRƯỚC?

Thật kỳ lạ, xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những cụ cao tuổi có kinh nghiệm "Tri thiên mệnh", biết trước được ngày mất của mình, mặc dầu ngày hôm trước vẫn khoẻ mạnh, thậm chí có người còn tính trước được giờ mất, đánh điện cho con cháu ở xa về, trong trườ

X Close

Vui lòng để lại thông tin của bạn

Copyright © 2024 TRẠI HÒM SÁU VẠN Web Design by Nina.vn
Đang online: 9  |  Thống kê tháng: 2508 |  Tổng truy cập: 518779
Hotline 1: 0588 234 234
Hotline 2: 0569 400 000

Chọn số điện thoại để gọi

Hotline 1: 0588 234 234

Hotline 2: 0569 400 000

Chọn số điện thoại để nhắn tin

Hotline 1: 0588 234 234

Hotline 2: 0569 400 000

Chọn số điện thoại để chat zalo

Hotline 1: 0588 234 234

Hotline 2: 0569 400 000

trại hòm sáu vạn

trại hòm bến tre

dịch vụ mai táng bến tre